Thời trang và nghệ thuật là hai trong số những cột trụ dựng xây nên đế chế Louis Vuitton vững mạnh qua gần hai thế kỷ. Trên hành trình kiến tạo cái đẹp, vươn đến những giá trị vĩnh cửu, nghệ thuật trở thành DNA của nhà mốt Pháp, thấm đẫm trong từng thiết kế và bền chặt đến tận ngày nay. Thương hiệu liên tiếp bắt tay với nhiều nghệ sỹ để tạo nên những sáng tạo độc bản. Trong số những nghệ sỹ Louis Vuitton có mối quan hệ bền chặt thì đặc biệt nhất chính là Yayoi Kusama. Trong bài viết này, cùng Auth Spa tìm hiểu những siêu phẩm được tạo ra bởi sự kết hợp của nhà mốt lừng danh Louis Vuitton và nghệ thuật gia đương đại Yayoi Kusama nhé.
Sơ Lược Về Nghệ Thuật Gia Yayoi Kusama
Yayoi Kusama là nghệ sĩ huyền thoại – một biểu tượng sống trên toàn cầu. Bà là nhân vật tiên phong mở đường cho chủ nghĩa tối giản, pop-art, nghệ thuật trình diễn, và nghệ thuật sắp đặt – tương tác. Những tác phẩm nổi tiếng nhất của Yayoi Kusama gắn liền với quả bí ngô, hoa, chấm bi, gương kính… diễn giải những ý tưởng về sự tự diệt vong, nỗi sợ hãi và tính vô hạn… Yayoi Kusama đã giành được nhiều giải thưởng cho nghệ thuật của mình, bao gồm giải Asahi (năm 2001), giải Ordre des Arts et des Lettres của Pháp (năm 2003) và giải thưởng Praemium Imperiale lần thứ 18 cho hội họa (năm 2006).
Yayoi Kusama sinh năm 1929 trong một gia đình thương nhân sở hữu một vườn ươm cây và trang trại hạt giống tại Matsumoto, Nagano. Bà bắt đầu vẽ những bức tranh bí ngô khi còn học tiểu học và đây cũng là một trong những nguồn cảm hứng trong các tác phẩm sau này của nghệ sĩ.
Khi mười tuổi, Kusama bắt đầu nhìn thấy ảo giác. Đó là những hình ảnh sống động mà bà miêu tả là “những tia sáng lóe lên, vầng hào quang và những mảng chấm dày đặc”. Có cả những bông hoa xuất hiện trong ảo giác của Kusama, chúng nói chuyện với bà, cả những họa tiết trên tấm vải mà bà nhìn thấy cũng bước ra hiện thực, sinh sôi nảy nở, nhấn chìm và cuốn bà đi theo. Kusama đã đưa những ảo giác này vào các tác phẩm nghệ thuật xuyên suốt cuộc đời mình và bà gọi nó là “sự xóa sổ bản thân”. Nghệ thuật đã giúp bà trốn chạy khỏi gia đình và tâm trí của chính bản thân mình khi bà gặp ảo giác.
Tuổi thơ của Kusama còn gắn liền với một góc tăm tối trong nhà máy, nơi bà được gởi đến làm công nhân trong xưởng may quần áo phục vụ cho thế chiến thứ 2. Những hồi ức ám ảnh về chiến tranh luôn tồn tại trong tiềm thức của Kusama, về tiếng còi tập trung sơ tán, tiếng bom nổ hòa lẫn tiếng máy bay chiến đấu lao vút trên đầu; và giống với vi đạo diễn quá cố Isao Takahata của studio Ghilbi, những kí ức tàn khốc ấy luôn đi theo bà đến suốt cuộc đời. Đó cũng là một trong những nguyên nhân thôi thúc bà lựa chọn chiến tranh làm chủ đề trong những tác phẩm sau này. Không thể phủ nhận rằng Kusama là một trong những người tiên phong của lĩnh vực nghệ thuật đương đại.
Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở đó, bà đã từng chắp tay cho 8 quyển tiểu thuyết, từng mở 1 tập báo người lớn, xuất bản một số tập thơ, sản xuất phim và thậm chí là thiết kế một chiếc xe buýt. Có lẽ sẽ không quá bất ngờ nếu sau này bà quyết định dấn thân vào lĩnh vực thời trang vốn luôn luôn chào đón bộ não thiên tài của bà.
Kusama từng chia sẻ về sức khỏe tâm lý của mình. Đối với bà, nghệ thuật là phương thức để bà thể hiện những vấn đề tâm lý của bản thân. Trong cuộc phỏng vấn với Infinity Net, bà nói: “Tôi chiến đấu với nỗi đau, chứng rối loạn lo âu và sợ hãi mỗi ngày và cách duy nhất giúp tôi thuyên giảm bệnh tật là tiếp tục sáng tạo nghệ thuật. Tôi theo đuổi nghệ thuật và bằng cách nào đó, tìm ra con đường này đã cho phép tôi được sống.” Một điểm đặc trưng ở phong cách thu hút của Kusama chính là các tác phẩm của bà luôn thể hiện chính bản thân mình. Bà luôn có thể tự hào rằng trong mỗi kiệt tác của mình luôn có một phong cách rất “riêng” mà không ai so sánh được. “Tôi không muốn chữa trị các vấn đề về tâm thần của mình, thay vào đó tôi muốn sử dụng chúng như một động lực tạo ra nghệ thuật của mình. Nghệ thuật của tôi bắt nguồn từ ảo giác mà chỉ tôi có thể nhìn thấy… Tất cả các tác phẩm của tôi bằng phấn màu đều là sản phẩm của chứng loạn thần kinh ám ảnh và do đó có mối liên hệ chặt chẽ với căn bệnh của tôi” – Yayoi Kusama.
Hiện tại, Kusama đã ở ngoài tuổi 90 và đã có được danh tiếng trên khắp thế giới – điều mà bà đã mong muốn có được khi là một phụ nữ châu Á nhỏ bé sang Mỹ năm 27 tuổi, trong giới nghệ thuật toàn dân da trắng và đàn ông chiếm phần đa, bị ăn cắp ý tưởng và luôn trong trạng thái bệnh lý loạn thần kinh. Nhiều bảo tàng và phòng tranh trên khắp thế giới đã trưng bày các tác phẩm của bà trong phòng trưng bày vĩnh viễn như Musée des Beaux-Arts de Nancy, Nancy, Pháp; Mattress Factory, Pittsburgh Pennsylvania, Mỹ; National Gallery of Australia, Canberra, Úc,…; ở châu Á bạn có thể ghé xem tại Museum of Modern and Contemporary Art in Nusantara (Museum MACAN), Jakarta, Indonesia. Khi triển lãm của Kusama được mở ra, những người yêu nghệ thuật xếp hàng dài chờ đợi nhiều tiếng đồng hồ để được vào chiêm ngưỡng vài phút ngắn ngủi tác phẩm sắp đặt của nghệ sĩ. Đứng trước tác phẩm của bà, người ta luôn bị choáng ngợp trong vòng xoáy hỗn loạn của màu sắc căn bản, với những bố cục phức tạp trong không gian kì dị và bà khiến thế giới phát cuồng vì những chấm bi sặc sỡ của mình. Bà vẫn luôn đắm say với nghệ thuật dù đã đi một chuyến hành trình thật dài của cuộc đời.
Yayoi Kusama đã giành được nhiều giải thưởng cho nghệ thuật của mình, bao gồm giải Asahi (năm 2001), giải Ordre des Arts et des Lettres của Pháp (năm 2003) và giải thưởng Praemium Imperiale lần thứ 18 cho hội họa (năm 2006)
Khi nhìn lại những tác phẩm của Yayoi Kusama, người xem không thể không ngạc nhiên vì tính phong phú của chúng. Yayoi Kusama vẽ, điêu khắc, trình diễn, sắp đặt, điện ảnh, thậm chí là dấn thân vào thiết kế thời trang… Vào thời điểm đó, kết hợp các dạng nghệ thuật với nhau chưa được phổ biến như bây giờ. Đồng thời, bà còn kết hợp nhiều phong cách nghệ thuật khác nhau như: minimalism (tối giản), surrealism (siêu thực), hội họa Art Brut, pop – art và abstract expressionism (ấn tượng trừu tượng), tình dục và những góc tối trong cảm xúc của con người. Kusama nói rằng các ý tưởng đến với bà nhiều và liên tục đến mức bà bị tê liệt vì không biết phải làm gì với chúng. Bên cạnh đó, bà luôn gửi gắm những thông điệp ẩn về phong trào nữ quyền, bài xích chiến tranh và hướng tới hòa bình trong mỗi tác phẩm của mình.
“Trái đất của chúng ta chỉ là một chấm nhỏ trong số hàng triệu ngôi sao trong vũ trụ. Chấm bi là một cách hiểu sự vô tận. Khi thiên nhiên và cơ thể của chúng ta xoá nhoà bằng các chấm bi, chúng ta trở thành một phần của sự thống nhất của môi trường chung” – Yayoi Kusama
Các tác phẩm tiêu biểu của Yayoi Kusama
Infinity Nets (tạm dịch: Những tấm lưới vô cực) là series tranh Kusama bắt đầu từ những năm 50 khi bà rời Nhật Bản tới New York, Mỹ. Bà chơi với khái niệm về sự lặp lại vô hạn và không gian vô hạn. Tác phẩm xóa bỏ đi ranh giới giữa hình và mặt đất, tạo ra sự cân bằng giữa nét cọ và những lỗ hổng bên trong chúng. Kusama mô tả những bức tranh này là “không có sự bắt đầu, kết thúc hay ở trung tâm. Toàn bộ tấm toan bị chiếm bởi một mạng màu đơn sắc. Sự lặp lại vô tận này gây ra cảm giác chóng mặt, trống rỗng như bị thôi miên.”
“Chấm bi có hình dạng của mặt trời, là biểu tượng năng lượng của cả thế giới và cuộc sống của chúng ta, và đồng thời là hình dạng của mặt trăng, vốn tĩnh. Tròn, mềm, nhiều màu sắc, vô tri và không xác định. Chấm bi trở thành chuyển động… Chấm bi là một cách để đi đến vô tận.” Kusama chia sẻ trong cuốn sách Manhattan Suicide Addict của mình.
Yayoi Kusama, RED-NETS NO. 2.A.3, 1960, đã được bán với giá $ 4,534,132 tại phiên đấu giá của Sotheby’s ở Hong Kong năm 2018.
Vào đầu những năm 60, Kusama tiếp tục series Mirror/Infinity (tạm dịch: Gương/Sự vô tận) với các tác phẩm sắp đặt. Trong hệ thống lắp đặt gương vô cực phức tạp này, những tấm kính phản chiếu cùng những quả bóng màu neon treo ở nhiều độ cao khác nhau phía trên người xem. Người xem đứng trong căn phòng thấy ánh sáng phản chiếu liên tục từ các bề mặt gương, tạo ra ảo giác về một không gian vô tận.
Những cảm giác đem tới cho người xem là chủ ý của Yayoi Kusama. Nghệ sĩ muốn người xem đồng cảm với mình trong cuộc đời đầy đau thương của bà. Việc thiếu khả năng kiểm soát mọi điều trong cuộc đời đã khiến bà, một cách có ý thức hay trong tiềm thức, muốn kiểm soát cách người khác cảm nhận về thời gian và không gian khi bước vào triển lãm của mình. Có thể nói rằng, nếu không có những chấn thương tâm lý, Kusama sẽ không thể tạo ra những tác phẩm này. Nghệ thuật đã trở thành một cơ chế đối phó (coping mechanism) để chống lại căn bệnh của bà.
Infinity Mirror Rooms, Tate Modern
Yayoi Kusama, Infinity Mirrored Room – ‘The Souls of Millions of Light Years Away,’ 2013. Nguồn ảnh: David Zwirner, N.Y.
Yayoi Kusama, All the Eternal Love I Have for the Pumpkins (2016), Hirshhorn Museum and Sculpture Garden, Washington, D.C. Nguồn ảnh: Hirshhorn Museum and Sculpture Garden, Washington, D.C.
Yayoi Kusama, The Obliteration Room, 2002. Nguồn ảnh: QAGOMA Photography
Aftermath of Obliteration of Eternity, 2009. Yayoi Kusama
Yayoi Kusama Và Mối Nhân Duyên Với Nhà Mốt Louis Vuitton
Nếu như có một điều mà chúng ta có thể học được từ các thương hiệu thành công như Louis Vuitton, Kenzo, Rick Owens, Vetements hay Off – White, đó là thị trường luôn luôn ưu chuộng những thiết kế gây ấn tượng và độc đáo, phá vỡ mọi quy củ. Tuy nhiên, có thể nói Kusama mới chính là người đã tìm ra được bí quyết thành công trong việc quyến rũ giới trẻ và trở thành người dẫn đường cho các thương hiệu.
* Xem thêm bài viết Sửa túi xách Louis Vuitton
Dù đã 10 năm dài đằng đẵng trôi qua nhưng làng mốt ắt hẳn vẫn còn nhớ như in những dấu ấn vị lai hoàn hảo giữa nghệ thuật và thời trang mà triều đại của Marc Jacobs ở Louis Vuitton cùng nữ nghệ sĩ vĩ đại mọi thời đại, Yayoi Kusama năm 2012 – cụ thể những chiếc túi nổi bật trong kho di sản của Louis Vuitton từ Keepall, Neverfull, Papillion đến Speedy, được thắp sáng bằng nghệ thuật trừu tượng, thật khác biệt của Kusama, đến tận nay vẫn là những thiết kế được săn đón nhiều nhất. Tiếp nối sự bền vững trong thế giới thời trang của nhà mốt Pháp và sự vô tận trong thế giới quan nghệ thuật, trí tưởng tượng điên loạn của nữ họa sĩ “điên”, cả hai quyết định tạo nên một cuộc gặp gỡ đi vào lịch sử thời trang.
Là một người hâm mộ những tác phẩm điêu khắc cũng như tranh vẽ của Kusama, trong lần hợp tác đầu tiên năm 2012, Marc Jacobs từng cho biết: “Những nhân vật ám ảnh cùng sự ngây thơ trong những tác phẩm nghệ thuật của bà đã chạm đến trái tim tôi”.
Và với một nghệ sĩ có chút “máu điên” chảy trong người như Yayoi Kusama, cuộc hội ngộ với ông hoàng thời trang Marc Jacobs chính là cuộc gặp gỡ mang tính định mệnh, là sự hòa hợp của hai tâm hồn đồng điệu. “Louis Vuitton hiểu và đánh giá cao bản chất nghệ thuật của tôi, vì vậy, không có nhiều khác biệt khi tôi chuyển từ nghệ thuật sang thời trang”.
Sau 10 năm kể từ lần kết hợp thành công đó, Yayoi Kusama và Louis Vuitton quyết định một lần nữa “bắt tay” với bộ sưu tập gồm 450 sản phẩm cho mùa Cruise 2023. Đầu năm 2023, cả hai cùng nhau viết nên chương mới với bộ sưu tập đặc biệt. Chi tiết đặc biệt cho bộ sưu tập Louis Vuitton x Yayoi Kusama lần này nằm ở kỹ thuật. Các nghệ nhân Louis Vuitton đã tìm ra cách để những chấm bi trên sản phẩm sẽ trông bóng loáng như vừa được sơn bởi nữ nghệ thuật gia. Có thể thấy, cuộc đối thoại nghệ thuật giữa Louis Vuitton và Yayoi Kusama luôn phát triển, mở rộng.
Cám ơn bạn đã quan tâm và liên hệ Auth Spa – dịch vụ sửa chữa, làm mới và spa túi xách và đồ hiệu tại HCM. Hãy ghé thăm và sử dụng dịch vụ của chúng tôi theo các danh sách địa chỉ cửa hàng dưới đây:
- QUẬN 1: 191/A3 Cống Quỳnh, P Nguyễn Cư Trinh, Quận 1
Điện thoại cửa hàng: 0948.603.603. Mở cửa 09:00 – 18:00 / Thứ 2 – Thứ 7.
- QUẬN 2: 32 Đường D5, P An Khánh, Quận 2 / TP Thủ Đức
Điện thoại cửa hàng: 090.246.1155. Mở cửa 09:00 – 18:00 / Thứ 2 – Thứ 7.
- QUẬN 7 – TRỤ SỞ CHÍNH: Số 111 Trần Trọng Cung, Phường Tân Thuận Đông, Quận 7 – Khu Đô Thị Nam Long.
Điện thoại cửa hàng: 090.246.0660. Mở cửa 09:00 – 18:00 / Thứ 2 – Thứ 7.
- QUẬN PHÚ NHUẬN: Số 14B Đặng Văn Ngữ, Phường 10, Quận Phú Nhuận
Điện thoại cửa hàng: 090.246.5115. Mở cửa 09:00 – 18:00 / Thứ 2 – Thứ 7.